SUY NIỆM THỨ HAI TUẦN X THƯỜNG NIÊN

Chủ nhật - 09/06/2024 04:52
SUY NIỆM THỨ HAI TUẦN X THƯỜNG NIÊN
Mt 5, 1-12

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mat-thêu
1 Thấy đám đông, Đức Giêsu lên núi. Người ngồi xuống, các môn đệ đến gần bên.2Người mở miệng dạy họ rằng:
3 “Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó,
vì Nước Trời là của họ.
Phúc thay ai hiền lành,
vì họ sẽ được Đất Hứa làm gia nghiệp.
5 Phúc thay ai sầu khổ,
vì họ sẽ được Thiên Chúa ủi an.
6 Phúc thay ai khát khao nên người công chính,
vì họ sẽ được Thiên Chúa cho thoả lòng.
7 Phúc thay ai xót thương người,
vì họ sẽ được Thiên Chúa xót thương.
8 Phúc thay ai có tâm hồn trong sạch,
vì họ sẽ được nhìn thấy Thiên Chúa.
9 Phúc thay ai xây dựng hoà bình,
vì họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa.
10 Phúc thay ai bị bách hại vì sống công chính,
vì Nước Trời là của họ.
11 Phúc thay anh em khi vì Thầy mà bị người ta sỉ vả, bách hại
và vu khống đủ điều xấu xa.
12 Anh em hãy vui mừng hớn hở,
vì phần thưởng dành cho anh em ở trên trời thật lớn lao.
Quả vậy, các ngôn sứ là những người đi trước anh em cũng bị người ta bách hại như thế.

SUY NIỆM 1:
Sứ điệp: Tám mối phúc thật của Chúa Giêsu chính là giải đáp cho vấn nạn làm thế nào để được hạnh phúc thật. Con người sẽ được hạnh phúc thật khi tin vào Chúa Giêsu và đón nhận sứ điệp của Người.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, cứ theo quan điểm thông thường của người thế gian, tám mối phúc thật mà Chúa đã tuyên bố thật ngược đời, thật khó chấp nhận, bởi loài người vẫn thường nghĩ rằng, để được hạnh phúc, phải thành đạt về tiền bạc, danh vọng và được hưởng lạc thú.
Đã có lúc chính con cũng cảm thấy tám mối phúc thật là những điều ảo tưởng. Hoặc chính con cũng lầm tưởng rằng Chúa ca tụng sự nghèo túng, và nếu sống theo lời Chúa dạy, con sẽ thành một người bạc nhược, tiêu cực và u sầu.
Lạy Chúa, Thánh Kinh cho con hiểu rằng: kẻ nghèo là kẻ coi Thiên Chúa đáng trọng hơn mọi sự ở đời. Họ không cậy dựa vào sự gì mà chỉ cậy dựa vào một mình Thiên Chúa thôi. Trong lòng của họ, Thiên Chúa được đặt chỗ cao nhất.
Vâng, lạy Chúa, xin cho con hiểu được chân lý cao siêu đó. Xin cho con biết noi gương Chúa, cảm nghiệm được cái phúc của kẻ mất mọi sự ở đời, để được chính Chúa là sự giàu sang hạnh phúc đích thực. Xin lấy đi trong trái tim con những ham muốn vật chất, những ích kỷ nhỏ nhen, những hận thù ghen ghét, và lấp đầy trái tim con bằng lòng khiêm nhường nghèo khó, bằng lòng bác ái vị tha và một tình yêu chân thật.
Lạy Chúa, Chúa chính là gia nghiệp và là hạnh phúc của con. Amen.
Ghi nhớ: “Phúc cho những ai có tinh thần nghèo khó”.
TGM Giuse Nguyễn Năng

SUY NIỆM 2: ĐƯỜNG ĐẾN SỰ TRỌN LÀNH
Bài Tin mừng hôm nay chắc chắn không xa lạ gì với người tín hữu chúng ta, thậm chí nhiều người đã thuộc nằm lòng. Đó chính là nội dung Bài giảng trên núi của Chúa Giêsu, là Tám mối phúc thật, hay còn có một tên gọi khác là Hiến chương Nước Trời. Đó chính là 8 con đường mà Chúa Giêsu đã mạc khải để những ai chọn và bước đi trên 1 trong 8 con đường ấy thì chắc chắn sẽ được nên thánh, được hưởng hạnh phúc Thiên đàng với Ngài.
Hãy nhìn lại cuộc đời của một vài vị thánh chúng ta sẽ thấy được giá trị của 8 mối phúc này: Thánh Phanxicô assidi đã chọn mối phúc thứ nhất và đã được nên thánh bằng con đường khó nghèo, Thánh nữ Mônica đã chọn mối phúc thứ ba và đã được nên thánh bằng chính những đau khổ mà Thánh nữ đã chịu vì chồng vì con, Mẹ Têrêxa thành Calcutta đã chọn mối phúc thứ năm và nên thánh qua việc xót thương những người nghèo khổ bệnh tật… và còn rất nhiều vị thánh khác nữa.
Hôm nay cho chúng ta nghe lại bài Tin mừng nói về Tám mối phúc thật này, Giáo Hội mong muốn mỗi tín hữu chúng ta hãy can đảm bước đi trên những con đường ấy, vì đó là những con đường đẹp nhất và ngắn nhất dẫn chúng ta vào hạnh phúc Nước Trời.
Nếu như ngày hôm nay người ta bất chấp mọi sự để chạy theo của cải vật chất và tiền tài danh vọng đến nỗi bỏ lễ bỏ lạc, thì người ki-tô hữu chúng ta được mời gọi hãy sống tinh thần nghèo khó vì Nước Trời. Nếu như ngày hôm nay người ta ganh đua thua thiệt, cậy thế ức hiếp người, thì người ki-tô hữu chúng ta được mời gọi hãy sống hiền lành để được đất hứa làm gia nghiệp. Nếu như ngày hôm nay người ta ngại hy sinh và né tránh trách nhiệm vì sợ khổ sợ cực, thì người ki-tô hữu chúng ta được mời gọi sẵn sàng đón nhận tất cả những gì mà Chúa gởi đến, bởi vì Chúa luôn ở cạnh bên và nâng đỡ ủi an. Nếu như ngày hôm nay người ta chuộng cái xấu hơn cái tốt, chuộng điều dữ hơn điều lành, chuộng tội lỗi hơn sự thánh thiện, thì người ki-tô hữu chúng ta được mời gọi hãy khát khao sự công chính, để được nên trọn lành như Cha trên trời.
Nếu như ngày hôm nay người ta vô cảm và dửng dưng với những người nghèo khổ bất hạnh, thì người ki-tô hữu chúng ta được mời gọi hãy biết xót thương người, để được Thiên Chúa xót thương. Nếu như ngày hôm nay người ta chìm đắm trong những phim ảnh đồi trụy và lạc thú xác thịt, thì người ki-tô hữu chúng ta được mời gọi hãy giữ tâm hồn trong sạch, để được nhìn thấy Thiên Chúa. Nếu như ngày hôm nay người ta cãi vã kiện tụng, ghét ghen hận thù, thì người ki-tô hữu chúng ta được mời gọi hãy xây dựng hòa bình, để sống xứng đáng là con cái Chúa. Và nếu như ngày hôm nay vì ghét Đạo Thánh Chúa đã khiến cho nhiều ki-tô chịu thiệt thòi, thì chúng ta được mời gọi đừng sợ vì phần thưởng của chúng ta ở trên trời thật lớn lao. Amen.
Lm. Antôn

SUY NIỆM 3: TRỞ THÀNH THÁNH NHÂN VÀ PHÚC NHÂN
Đọc đoạn Tin Mừng (Mt 5, 1-12), chúng ta suy diễn rằng: “Thiên Chúa muốn chúng ta là những phúc nhân và thánh nhân”.
Suy diễn này không quá ảo tưởng, vì vào khởi đầu của Ki-tô giáo, các thành phần của Giáo Hội cũng được gọi là “những người thánh” (x.1 Cor 1,2). Quả thực, người Ki-tô đã là “người thánh” rồi, bởi vì Bí Tích Rửa tội kết hiệp người Ki-tô với Chúa Giê-su và với mầu nhiệm Vượt Qua của Ngài; nhưng đồng thời người Ki-tô phải trở nên thánh, trở nên giống như Chúa Ki-tô mỗi ngày một mật thiết hơn.
Lời Chúa Giê-su công bố hôm nay: Phúc cho những ai nghèo khó trong tinh thần, phúc cho những ai đau khổ, phúc cho những kẻ hiền lành, phúc cho những ai đói khát sự công chính, phúc cho những kẻ có lòng nhân từ, phúc cho những ai có lòng trong sạch, phúc cho những ai hoạt động cho hoà bình, phúc cho những ai bị bách hại vì lẽ công chính (x. Mt 5, 3-10). Quả thật, chỉ một mình Chúa Giê-su là Ðấng có phúc tuyệt hảo. Chính Chúa là Ðấng nghèo khó thật trong tinh thần, là Ðấng đau khổ, là Ðấng dịu hiền, là Ðấng đói khát sự công chính, là Ðấng nhân từ, là Ðấng trong sạch trong tâm hồn, là Ðấng họat động cho hoà bình, là Ðấng bị bách hại vì lẽ công chính.
Các mối phúc thật chỉ cho chúng ta thấy dung mạo nhiệm mầu của cái chết và sống lại, mầu nhiệm thương khó và Phục Sinh. Mầu nhiệm hạnh phúc này mời gọi chúng ta theo Chúa Giê-su và như thế tiến bước về Hạnh Phúc Thật.
Lm. An-tôn Nguyễn Văn Độ
SUY NIỆM 4:
Khi ấy, thấy đám đông, Đức Giê-su lên núi. Người ngồi xuống, các môn đệ đến gần bên. 2. Người lên tiếng dạy họ rằng: 3. “Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó, vì Nước Trời là của họ”.
• Đức Giêsu thấy đám đông thì Ngài lên núi. Ngài không bị đám đông chi phối. Ngài đến nơi cần đến. Bận tâm của Ngài lúc này là huấn luyện cho các môn đệ của mình. Thầy đi lên núi nên trò cũng theo sau. Đây là bước khởi đầu của việc huấn luyện.
• Nơi Đức Giêsu không có khoảng cách của sợ hãi. Các môn đệ ở gần bên Ngài. Tình thân giữa Ngài với các môn đệ lại càng được cng cố. Ngồi bên nhau, Đức Giêsu dạy cho các môn đệ các mối phúc chứ không phải ngồi để nói chuyện chơi.
• Nghèo khó là mối phúc đầu tiên. Để học được bài học này đòi hỏi các môn đệ phải từ bỏ nhiều sự. Nghèo khó để hướng lòng về Trời Cao chứ không phải để cho người khác thấy thương hại.
Mối Phúc của Đức Giê su vẫn mãi là một thách đố cho thời đại hôm nay. Tôi được mời gọi sống nghèo như thế nào?
Lạy Chúa, xin cho con luôn ý thức sống nghèo như Chúa mong ước.
Br. Vincent SJ

SUY NIỆM 5: CON ĐƯỜNG DẪN ĐẾN HẠNH PHÚC
Là con người, từ cổ chí kim, từ Đông chí Tây, đủ mọi lứa tuổi, mọi thành phần, ai ai cũng đều mong muốn mình được hạnh phúc hoặc sờ chạm thấy hạnh phúc dù chỉ một chút. Thánh Tô-ma A-qui-nô cũng đã nói: “Theo bản tính tự nhiên, tất cả mọi người đều khát mong hạnh phúc”. Chính vì thế, nhiều người chấp nhận đánh đổi rất nhiều để cầu mong được hạnh phúc. Ngày nay, cũng đã có nhiều người tìm ra cho mình những kỹ năng để nâng niu và nắm giữ được hạnh phúc lâu dài.
Tuy nhiên, điều họ mong muốn và tìm kiếm đó có đúng không hay chỉ là một sự mơ tưởng hoặc bị hiểu sai về hạnh phúc? Vậy, hạnh phúc đích thực là gì và ở đâu?
Hôm nay Đức Giê-su đã vạch ra cho các môn đệ và những người đương thời với Ngài những con đường để đưa đến hạnh phúc. Con đường đó là: tinh thần nghèo khó; hiền lành; chịu đau buồn vì Chúa; khao khát điều công chính và sẵn sàng chấp nhận bị bách hại vì điều công chính đó; hãy thương xót người; có lòng trong sạch; ăn ở thuận hoà. Trung thành với các “mối phúc thật” và gắn vào trong đó lòng mến thì hẳn sẽ đạt được hạnh phúc đích thực là Nước Trời.
Hôm nay, Đức Giê-su cũng đang mời gọi mỗi người chúng ta đi trên con đường Chân Phúc đó để được cứu độ, hạnh phúc và bình an. Tuy nhiên, con đường đó chẳng mấy ai đi! Bởi vì nó là con đường “hẹp”, con đường của từ bỏ, của chông gai. Nhưng để đạt được niềm hạnh phúc thực sự, chúng ta không còn con đường nào khác là đi trên chính con đường mà Đức Giê-su đã đi, bởi lẽ đường rộng và lối thênh thang sẽ dẫn đến đau khổ, bất hạnh và diệt vong.
Lạy Chúa Giê-su, đã biết bao lần chúng con khước từ con đường Chúa vạch ra cho chúng con để được hạnh phúc. Ngược lại, chúng con lại lựa chọn con đường dễ dãi, thênh thang hầu thỏa mã tính xác thịt nơi mình, mà bán rẻ lương tâm, nhân phẩm của chúng con để rồi mất đi hạnh phúc thật.
Xin cho chúng con biết tìm về nguồn cội của hạnh phúc là chính Chúa, biết đi trên con đường “các mối phúc” để dẫn tới hạnh phúc đích thực. Amen.
Giuse Vinhsơn Ngọc Biển SSP

SUY NIỆM 6:
Có thể nói: con người chúng ta sinh ra là để đi tìm hạnh phúc, thế nhưng nhiều khi chúng ta bỏ lỡ cơ  hội hưởng nếm chính hạnh phúc ngay trong cuộc sống thường ngày.
Hạnh phúc thật bình thường nhỏ nhoi ngay bên cuộc đời chúng ta. Hạnh phúc khi chúng ta biết nhận ra vẻ đẹp của bông hoa mới nở. Hạnh phúc khi chúng ta nhận ra tình yêu của những người thân dành cho chúng ta. Và hạnh phúc khi chúng ta biết sống có ý nghĩa đối với tha nhân ..  .
Sứ điệp lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy chọn Chúa làm lẽ sống và hạnh phúc cho dù có phải đối phó với nghèo đói, hiểm nguy. Hãy chọn Chúa là gia nghiệp để sống thanh khiết khỏi những đam mê xác thịt, sống thanh thoát khỏi những tham lam vô độ. Hãy vì Chúa mà bảo vệ công lý và xây dựng hoà bình. Hãy vì Chúa để yêu thương và phục vụ anh em.
Một cách cụ thể là hãy vì Chúa mà sống hết mình cho gia đình, cùng xây dựng gia đình mình hạnh phúc khi để Chúa làm chủ trong gia đình của mình. Nếu các gia đình luôn làm mọi sự vì Chúa thì Chúa sẽ lấp đầy mọi sự bằng ơn thánh của Ngài.

Lạy Chúa Giê-su ,
Chúa đã sống nghèo để dạy chúng con bài học về hạnh phúc. Hạnh phúc không phải là cái mình có mà quan yếu ở điều mình trao ban. Hạnh phúc không hệ tại ở môi trường bên ngoài mà hệ tại ở lòng người. Vì “người buồn cảnh có vui đâu bao giờ”. Hạnh phúc không hệ tại ở danh vọng trần gian mà hệ tại ở việc sống thanh thoát khỏi những bon chen phàm trần. Hạnh phúc chính là chọn Chúa hơn là những vinh hoa phú quý gian trần. 
Xin Chúa giúp chúng con biết học nơi Chúa luôn sống thanh thoát với của cải mau qua, luôn quy hướng về sự thiện, luôn tìm niềm vui trong cuộc đời phục vụ. Xin uốn lòng chúng con nên giống trái tim Chúa để chúng con sống có ích cho tha nhân. Amen

Lm.Jos Tạ Duy Tuyền

SUY NIỆM 7:
Bài giảng trên núi được coi là bản Hiến Chương Nước Trời, Chúa Giê-su đưa ra tám mối phúc, mà mỗi mối phúc là một phương pháp ta có thể chọn để nên giống Chúa Giêsu và là một phương thế nên thánh. Những mối phúc này xem ra không hợp với những quan niệm của cuộc sống thông thường, nhưng đó lại là một nghịch lý mà không vô lý. Nghĩa là trong khi thế gian chạy theo mọi thứ có giá trị tạm thời, thì người theo Chúa dám đi ngược dòng, là tìm những giá trị vĩnh cửu ngay trong những thứ trần thế ấy:
- Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó: Là không lo tìm vật chất hưởng thụ và bị vật chất che khuất, để rồi lo chạy theo vì lòng tham và thủ đoạn mà lãng quên Nước Trời.
- Phúc thay ai hiền lành: Ngày nay sự ác đang tràn lan, đạo đức xuống cấp, dễ dàng giết người không nương tay, thì người theo Chúa biết khiêm nhu hiền hậu.
- Phúc thay ai sầu khổ: Biết kết hợp với đau khổ của Chúa Kitô và dâng hết cho Người.
- Phúc thay ai khát khao nên người công chính: Nên thánh là một cuộc chiến đấu trường kỳ, một ước muốn mãnh liệt, một ý chí cao; phải ước muốn mãnh liệt chứ không phải chỉ là mơ ước. Muốn nghĩa là phải tiến tới hành động, phải thành công mới thôi. 
- Phúc thay ai xót thương người: Là biết vui với người vui, khóc với người khóc, cảm thông với nỗi đau của tha nhân. Thay vì lo thu vén gom góp cho mình, người theo Chúa biết sống trao ban và chia cơm sẻ áo cho nhau.
- Phúc thay ai có tâm hồn trong sạch: Giữa một thế giới xuống cấp về đạo đức luân lý, buông mình theo dục tính khoái lạc, thì người theo Chúa phải biết sống tiết chế, chừng mực và trong sạch.
- Phúc thay ai xây dựng hoà bình: Tránh sự gây gỗ hận thù và đem bình an đến cho nhau.
- Phúc thay ai bị bách hại vì sống công chính: Vì đức tin và lòng mến Chúa, dám làm chứng nhân trong mọi hoàn cảnh, dù đôi khi phải chịu thiệt thòi vì danh người có đạo.
Chúa Giêsu không chủ trương đói khát và cùng khốn, nhưng Chúa rất yêu thương những thân phận nghèo khó vì họ tin thác vào sự quan phòng của Người. Hơn nữa, trong kiếp sống nghèo, họ đã phải chịu thua thiệt nhiều hơn, nên Chúa sẽ bù đắp Nước Trời cho họ cũng là phải lẽ, dĩ nhiên cái nghèo này không do sự biếng nhác mà có thể vì thiếu may mắn, nhất là do bị áp bức vì dám sống thật và trung thực trong việc làm.
Chúa Giêsu đang ám chỉ đến những người thiếu thốn, người thấp cổ bé miệng, những người không ai che chở vì thế họ chỉ còn biết tin cậy vào Chúa. Như thế, người nghèo khó được chúc phúc mà Chúa Giêsu muốn nói, chính là những người nhận thức được rằng họ không thể tìm được hạnh phúc cậy dựa vào của cải vật chất đời này. Và từ đó họ sẽ tìm kiếm hạnh phúc chỉ ở nơi Chúa.
 
Chúa Giê-su không dạy ta tìm sự thiếu thốn vật chất, nhưng có một giá trị nội tâm, nó giải thoát chúng ta khỏi mọi ràng buộc với của cải trần thế, và mở rộng lòng mình ra trước sự giàu có tinh thần. Chúa Giêsu đã sinh ra trong cảnh nghèo hèn, và đã chết trần trụi trên Thập Giá để mang lại ơn cứu độ, hạnh phúc đời đời cho chúng ta.
Cái nghèo thì bao hàm những thiếu thốn chung, nhưng khi nói đến đói cái ăn thì chạm nay đến sự tồn tại, đến mạng sống. Thật vậy, có thể sống nghèo, nhưng không ai sống được nếu phải nhịn đói.
Hình ảnh đối lập giữa những người ăn chơi tiền tỉ bên cạnh những người thoi thóp cần miếng bánh lót dạ cho qua ngày vẫn hằng ngày đập vào mắt chúng ta. Chúa ở bên người đói khát nhưng cũng nhìn thấy kẻ xa xỉ ăn chơi. Chúa nhận ra nỗi đau của kẻ đói để an ủi họ trong ngày phán xét.
Theo Chúa thì luôn có thập giá trên vai mà vác, nghĩa là thử thách không thể thiếu trong cuộc đời kitô hữu. Nhưng rồi chính Chúa sẽ lau khô dòng lệ cho những ai theo Người (x. Kh 21,3). Chính Chúa Giêsu cũng chảy nước mắt vì thành Giêrusalem sẽ sụp đổ, khóc thương Lazarô bạn Ngài chết và đổ mồ hôi máu khi nhìn thấy viễn cảnh thập giá dành cho Ngài. Cuộc đời Kitô hữu cũng sẽ phải khóc cho thế giới hư hoại, khóc cho nội đau của đồng loại và khóc vì thập giá nặng trên vai. Con Thiên Chúa đã khóc và chúng ta cũng khóc, nhưng sự khóc lóc đó sẽ biến thành niềm vui trong Chúa và Chúa Giêsu giúp chúng ta vượt qua đau khổ, biến nó thành nguồn mạch của niềm vui trong Nước Trời.
 
Ngày nay, để được vinh thân phì gia và có chức quyền giàu sang, không ít người Công Giáo đã không ngại “chối Chúa” là từ bỏ lề luật, bỏ đạo để bán mình cho “tà thần”(…). Nhẹ hơn, không ít người giấu diếm để khỏi người khác biết mình là người Công Giáo vì sợ bị chê cười hoặc bị kỳ thị trong công việc… Còn những ai dám sống thật và dám làm chứng cho Chúa và cho sự thật thì cái giá họ phải trả là chịu bách hại đủ đường từ chính thể chế chúng ta đang sống cũng như mất đi những cơ hội tiến thân…
 
Tóm lại, dù xem ra phải sống ngược đời và lội ngược dòng, nhưng nếu chúng ta thực thi với cái nhìn đức tin thì chúng ta sẽ tìm thấy hiệu quả đích thực trong cuộc sống. Nội dung của các mối phúc hướng chúng ta đến với Thiên Chúa và tha nhân, chứ không phải chỉ sống ích kỷ cho riêng mình. Nhờ sống vì Chúa và sống cho người khác mà chúng ta cảm nhận hạnh phúc thiêng liêng và đích thực.
 
Lạy Chúa Giê-su, lời kêu gọi của Ngài trong Bát Phúc đã trở nên lý tưởng phấn đấu cho chúng con. Xin cho chúng con biết vượt lên những khó khăn để sống một cuộc đời thanh tao giữa vũng lầy tội lỗi. Amen. 
Lm.Hiền Lâm
 

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây