CHÚA NHẬT II MÙA VỌNG NĂM A
Is 11,1-10; Rm 15,4-9; Mt 3,1-12
DỌN LÒNG CHO CHÚA NGỰ ĐẾN
“Ông Gioan Tẩy Giả đến rao giảng trong hoang địa miền Giuđê rằng: Anh em hãy sám hối vì Nước Trời đã đến gần” (Mt 3,1).
Kính thưa cộng đoàn phụng vụ.
Dù chỉ mới có vài ngày đầu của Mùa Vọng, không khí đón mừng Giáng Sinh đã lan tỏa khắp nơi. Những con phố đã rực sáng với những ánh đèn lung linh nhiều màu sắc. Những cây thông được điểm trang với những viên pha lê lấp lánh và được dựng nên ở các quảng trường. Những ngôi sao được thắp sáng trên những nơi cao như tháp chuông hay mái nhà thờ. Những hang đá cũng đã được thiết kế để mô tả sống động biến cố Con Thiên Chúa làm người. Quả thật, Giáng Sinh đã được chuẩn bị sớm hơn trước kia. Thế nhưng, một cơn cám dỗ triền miên với người Kitô hữu chúng ta là lo lắng việc chuẩn bị cho những thứ ở bên ngoài như ngôi sao, cây thông, hang đá thật đẹp đẽ, mà lãng quên việc trang hoàng cõi lòng cho xứng hợp để đón Chúa ngự đến.
Thánh Gioan Tẩy Giả là khuôn mặt quen thuộc của Mùa Vọng. Ngài kêu gọi những người đương thời với ngài hãy dọn lòng cho Đấng Cứu Thế ngự đến: “Anh em hãy sám hối vì Nước Trời đã đến gần” (Mt 3,1). Nước Trời mà Chúa Giêsu rao giảng cho mọi người là một nước “đầy tràn sự thật và sự sống, đầy tràn ân sủng và thánh thiện, đầy tràn tình thương, công lý và bình an” (Kinh Tiền Tụng lễ Đức Giêsu Kitô Vua Vũ Trụ). Thời Cựu Ước, ngôn sứ Isaia đã mô tả hình ảnh về một thiên đàng đã mất do tội nguyên tổ, được tìm thấy lại: “Bấy giờ sói sẽ ở với chiên con, beo nằm bên dê nhỏ. Bò tơ và sư tử non được nuôi chung với nhau, một cậu bé sẽ chăn dắt chúng. Bò cái kết thân cùng gấu cái, con của chúng nằm chung một chỗ, sư tử cũng ăn rơm như bò. Bé thơ còn đang bú giỡn chơi bên hang rắn lục, trẻ thơ vừa cai sữa thọc tay vào ổ rắn hổ mang” (Is 11,6-8). Thế giới mà vị ngôn sứ phác họa là một thế giới không hận thù, không bạo động, một thế giới không còn chiến tranh, một thế giới được hòa giải, khi triều đại của Đấng Cứu Thế ngự đến: “Triều đại người, đua nở hoa công lý và thái bình thịnh trị đến muôn đời” (x. Tv 71,7).
Trong bức tranh về một thế giới bình an, điểm nổi bật mà chúng ta có thể thấy được là sự thay đổi. Sói, beo, sư tử, gấu, rắn lục, rắn hổ mang là những loài thú dữ. Chúng đã mất đi tính hung dữ của mình. Chúng thay đổi nếp sống của mình. Sói, beo trở nên hiền hòa với chiên con, dê nhỏ. Sư tử cũng không còn ăn thịt các loài khác nữa, thay vào đó là ăn rơm như bò. Rắn lục, rắn hổ mang cũng không còn cắn hại người nữa. Đàng khác, chiên, dê, bò, trẻ thơ cũng thay đổi. Chúng không còn sợ hãi, vì những loài thú dữ đã không còn nữa. “Sự thay đổi nếp sống này” cũng được thánh Gioan Tẩy Giả nói đến qua sự sám hối. Động từ “sám hối”, μετανοέω [metanoeo], theo nguyên nghĩa Hy Lạp, có nghĩa là “thay đổi tâm trí”.[1] Nó liên quan đến sự thay đổi của cõi lòng và cách nghĩ.
Lần dở những trang Kinh Thánh, chúng ta thấy sự thay đổi hoàn toàn của những ai gặp được Chúa. Một Dakêu, trước kia chỉ biết thu tiền người ta, nhưng khi đón rước Chúa Giêsu vào nhà, đã dám chia phân nửa tài sản của mình cho người nghèo và xin đền gấp bốn, nếu chiếm đoạt của ai cái gì (x. Lc 19,8). Một Lêvi, trước kia ngồi ở trạm thu thuế, nhưng khi nghe lời Chúa Giêsu: “Anh hãy theo tôi”, bỏ tất cả, đứng dậy đi theo Người (x. Lc 5,8-9). Một Maria Mácđala, trước kia sống trong tội lỗi, nhưng khi đã được Chúa giải thoát khỏi bảy quỷ, đã cùng đi với Chúa Giêsu rảo qua các thành phố, làng mạc, rao giảng và loan báo Tin Mừng Nước Thiên Chúa (x. Lc 8,1-2). Một Phaolô, trước kia hằm hằm đe doạ giết các môn đệ Chúa, nhưng khi gặp gỡ Chúa trên đường Đamát, đã rao giảng danh Chúa Giêsu cho muôn dân (x. Cv 9,1-21). Quả thật, “sám hối” là cuộc quay đầu hướng nhìn về Thiên Chúa trên hành trình đến với Ngài.
Quả thật, để đón Chúa ngự đến, chúng ta cần thực hiện việc sám hối. Chúng ta cần thay đổi cõi lòng và cách nghĩ của mình sao cho giống với cõi lòng và cách nghĩ của Chúa Giêsu. Thánh Phaolô đã cho các tín hữu biết rằng Đức Kitô cứu độ hết mọi người: dân Do Thái cũng như các dân ngoại. Đối với dân Do Thái, Người đến để phục vụ họ, đó là do lòng trung thành của Thiên Chúa đối với tổ tiên họ. Còn với các dân ngoại, Người đến để kêu gọi họ tin vào Người, đó là do lòng thương xót của Thiên Chúa dành cho họ (x. Rm 15,8-9). Chúng ta hãy mở rộng cõi lòng mình với hết thảy mọi người, vì ai cũng là đối tượng được Chúa Giêsu cứu độ. Mở rộng cõi lòng để đón nhận nhau chính là mở ra một con đường cho Chúa ngự đến tâm hồn mình; là dọn dẹp cõi lòng mình khỏi những bừa bộn của tội lỗi; là tham gia vào dự án của Thiên Chúa về một thế giới bình an và công lý.
Chúng ta mong muốn sự bình an ngự trị ở trong gia đình, ở nơi làm việc, ở giáo xứ và nhiều nơi khác nữa. Vậy, chúng ta có chấp nhận thay đổi nếp sống của mình hay là vẫn giữ khư khư thói hư nết xấu của mình như ngoại tình, tà dâm, gian dối, bất công, tham lam, hận thù, bất hoà, ghen tuông, nóng giận, tranh chấp, chia rẽ, bè phái, ganh tỵ, say sưa, chè chén, và những điều khác giống như vậy (x. Gl 5,19-21), khi chung sống với người khác? Chúng ta có làm triển nở những “hoa quả của Thánh Thần là: bác ái, hoan lạc, bình an, nhẫn nhục, nhân hậu, từ tâm, trung tín, hiền hoà, tiết độ” (Gl 5,22-23), khi lãnh nhận Bí tích Rửa Tội hay là làm khô héo những hoa quả ấy? Chúng ta có biết sống phục vụ, sẵn sàng hy sinh, chịu thiệt chịu khổ cho người khác như Chúa Giêsu hay là bắt người khác hầu hạ mình, bắt người khác phải hy sinh cho mình, bắt người khác phải thiệt thòi cho mình?
Tóm lại, Mùa Vọng là mùa Thiên Chúa mở ra cho con người những con đường. Con đường dẫn con người đến với Thiên Chúa là con đường Giêsu: “Chính Thầy là con đường. Không ai đến với Chúa Cha mà không qua Thầy” (Ga 14,6). Con đường mở lối cho Thiên Chúa đến với con người là con đường sám hối: “Tôi không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi sám hối ăn năn” (Lc 5,32). Con đường đưa con người đến với nhau là con đường đón nhận nhau:“Anh em hãy đón nhận nhau, như Đức Kitô đã đón nhận anh em, để làm rạng danh Thiên Chúa” (Rm 15,7).
Lạy Chúa, Chúa mời gọi chúng con thay đổi lối sống xác thịt và nếp nghĩ thế gian. Thế nhưng, việc thay đổi không phải là chuyện dễ dàng, bởi lâu ngày chúng đã bám rễ sâu vào huyết tủy chúng con. Xin cho chúng con can đảm tróc rễ những gì không xứng hợp với lối sống và nếp nghĩ của Chúa. Amen.
PHÊRÔ NGUYỄN TRỌNG CHỨC
[1] Strong, James: The Exhaustive Concordance of the Bible : Showing Every Word of the Text of the Common English Version of the Canonical Books, and Every Occurrence of Each Word in Regular Order. electronic ed. Ontario : Woodside Bible Fellowship., 1996, S. G3340